“Học ăn, học nói, học gói, học mở” - đó là một trong những câu phương ngôn mà các cụ ta đã đúc kết để dạy bảo con cháu. Từ xa xưa cho đến ngày nay, phương ngôn ấy vẫn cần trong cuộc sống hiện đại và mãi mãi về sau. Trước tiên là học ăn. Nói về ăn thì mỗi đất nước mỗi dân tộc mỗi vùng, miền trong cùng một nước có mỗi cách khác nhau...
Riêng ở Hà Nội, phong cách ăn uống của người Tràng An xưa, nhiều gia đình vẫn giữ được nền nếp cũ: Khi ngồi vào mâm cơm, nếu ăn trên phản, phải ngồi xếp bằng tròn - ăn trên bàn ăn, phải ngồi cho ngay ngắn và đúng vị trí. Trước khi ăn, bao giờ các con cũng phải mời: Cha, mẹ, anh chị. Nếu có ông bà, phải mời ông bà trước: Cháu mời ông bà ăn cơm... một cách kính cẩn. Ông, bà, cha, mẹ đáp lại: Các cháu, các con ăn cơm đi...
Trong khi ăn, cha, mẹ thường nhắc nhở các con: ăn uống, phải giữ gìn ý tứ - từ cách cầm bát đũa, thìa: Khi chan canh, phải đặt đũa xuống-hứng bát sát vào bát canh, tránh để rớt vào các món ăn khác. Gắp thức ăn, cần gắp gọn gàng, khô
ng bới chọn, bỏ vào bát cơm của mình rồi mới ăn, không được “đánh khăng” thức ăn luôn vào miệng, hoặc làm rơi vãi, thể hiện sự tham lam, hấp tấp...
Trong mâm cơm, có thức ăn nào ngon-hãy gắp mời ông, bà, cha, mẹ trước rồi mới đến lượt mình... “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” cũng là câu phương ngôn được đúc kết để răn dạy chúng ta: Chỉ nên ăn vừa phần mình, không nên thấy món nào ngon mà ăn hết cả phần của người khác... Những món ăn có xương như: thịt gà, xương lợn, bò, cá v.v.. lúc nhằn xương phải bỏ vào một cái bát để bên ngoài mâm. Nếu cắn phải sạn, hoặc chẳng may bị sặc, ho, phải lấy tay che miệng rồi xin phép ra ngoài, hết cơn mới trở lại ăn tiếp. Tuyệt đối không khạc, nhổ khiến người ngồi cùng mâm khó chịu. Không nếm hoặc húp canh bằng thìa dùng để chan canh chung.
Ăn xong, xếp gọn bát đũa của mình để mang đi và nói lời xin phép: “Cháu xin vô phép cơm ông bà, con xin vô phép cơm cha mẹ và các anh, chị”, rồi mới được rời khỏi mâm. Vị trí ngồi vào mâm cơm hoặc bàn ăn thường là mẹ, con gái lớn hoặc con dâu (nếu có) ngồi đầu nồi để đánh và xới cơm cho cả nhà, tiếp thêm các món ăn nếu cần. Về nguyên tắc thì người nấu ăn phải chuẩn bị đầy đủ, kể cả những bữa ăn thường nhật cho đến những bữa cỗ, tiệc trong các ngày giỗ, tết tiếp khách khứa... Bát, đũa, thìa, cốc, chén v.v.. đều phải đồng bộ, không được để “năm cha, ba mẹ” (hai, ba loại bát, đũa, thìa cốc trong một mâm cơm).
Trước khi mời khách vào mâm hoặc bày cỗ lên bàn thờ bao giờ cũng được nhắc nhở bằng câu phương ngôn: “Kiểm soát tế vật” nghĩa là phải rà soát xem còn thiếu thứ gì thì bày biện cho đầy đủ để thực hiện câu: “Đương thực, bất khởi: (phương ngôn) tức là đang ăn không đứng lên, ngồi xuống nhấp nha nhấp nhổm vì thiếu thứ này, thứ nọ, làm cho khách hoặc người ngồi cùng mâm phải áy náy...
Sau bữa ăn, bao giờ cũng có đồ tráng miệng theo mùa. Mùa nào thức ấy: Nho, nhãn, xoài, vải, táo, lê, dưa, dứa v.v.. nhất là những ngày rằm mồng một hàng tháng. Trà cũng vậy, người Hà Nội xưa không chỉ uống trà mộc, mà là trà ướp các loài hoa... trà sen, cúc, nhài, sói, ngâu. Mỗi loại trà ướp loại hoa khác nhau, uống vào có hương vị khác nhau-khiến người thưởng thức cảm thấy sảng khoái. Vừa nhâm nha chén trà lâng lâng, vừa nghĩ đến ân tình người biếu trà... Trà còn thường dùng vào các buổi sáng sớm, thanh tâm. Khi có khách đến nhà chơi bao giờ cũng phải pha trà mới không được dùng trà pha lại.
Đấy là những mô hình hầu như là phổ biến của những gia đình ở Hà Nội ngày xưa. Cho đến bây giờ, mặc dù đã trải qua mấy chục năm chiến tranh-bao biến thiên của lịch sử, nhiều gia đình vẫn còn gìn giữ được nền nếp cũ về phong cách ăn uống của người Hà Nội xưa.
Theo CUỘC SỐNG VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét